HỒNG HOÀNG NGƯỜI CHỒNG CHUNG THUỶ, NGƯỜI CHA TẬN TUỴ
25.11.2024 13:42
-----------
Hồng hoàng hay Phượng hoàng đất có tên khoa học là Buceros bicornis là thành viên lớn nhất trong họ Hồng hoàng. Chim Hồng hoàng gây ấn tượng đặc biệt bởi một chiếc “mũ” lớn màu vàng tươi nhô ra trên đầu và mỏ.
Hồng hoàng là loài chim lớn nhất trong họ Hồng Hoàng, kích thước từ 90-120cm, trọng lượng lên đến 4kg. Hồng Hoàng có đầu và bụng đen, cổ vàng, cánh trắng đen, chót cánh trắng. Đặc điểm nổi bật của Hồng hoàng là chiếc mỏ cong, lớn cồng kềnh nhưng khá nhẹ và chiếc mũ mỏ màu vàng cam tươi cấu tạo từ chất sừng keratin, bên trong rỗng, có hình dáng và màu sắc rất đẹp mắt.
Chim Hồng hoàng mái có mắt màu xanh lam, chim trống mắt màu đỏ, lông mi rất dài.
Hồng hoàng là loài chim có tính xã hội cao. Thông thường chúng đi thành đôi hay tụ tập thành các nhóm có từ 2-40 cá thể nhất là những nơi tập trung cây có quả chín trong rừng như cây sung, vả, si bởi chim Hồng hoàng đặc biệt thích ăn quả của các cây họ sung. Loài này hoạt động vào ban ngày, khi đêm đến tụ tập thành nhóm trên các cây cao nhất.
Chim Hồng hoàng là loài ăn tạp, món ăn ưa thích là hoa quả mềm, sâu bọ, côn trùng, ếch nhái. Loài này cũng có cách ăn rất đặc biệt, chúng thường tung mồi lên há mỏ, đớp gọn mồi rồi nuốt chửng.
Hồng hoàng rất quan trọng với hệ sinh thái rừng, chúng có nhiệm vụ phân tán hạt giống, thông qua các loại hạt không tiêu hóa được. Ngoài ra chúng còn ăn các loài côn trùng có hại.
Trong Vườn thú Hà Nội, Hồng hoàng ăn các loại hoa quả mềm và thịt nạc cắt nhỏ nhưng thức ăn thích nhất của chúng vẫn là quả chuối, nho, dưa hấu.
Vào mùa sinh sản từ tháng 1 đến tháng 4, các đôi thường “song ca” ầm ĩ để tán tỉnh nhau. Hồng hoàng không biết hót như các loài chim nhỏ khác mà chúng chỉ giao tiếp với nhau qua các tiếng kêu “kok”, “kok” với chất giọng trầm khàn. Khi hai con chim một trống và một mái cùng “song ca” với nhau một cách có tiết tấu, thường con đực cất tiếng “kok” trước, con cái đáp trả “kok” lặp lại nhanh dần thì đó là dấu hiệu chúng đang tìm hiểu nhau để kết đôi và sau đó sẽ tìm kiếm chỗ làm tổ.
Chim thường sống trên các nhánh cây cao. Vào mùa sinh sản, chim sẽ tìm bọng cây, lấp kín chỉ chừa một lỗ nhỏ để đi vệ sinh, đút thức ăn. Chim mái nằm trong tổ để đẻ (từ 1 – 3 trứng), ấp trứng (trong khoảng 38 – 40 ngày) và chăm sóc chim non. Chim Hồng hoàng non nở ra trần trụi không có lông và rất bụ bẫm.
Trong quá trình này chim mái sẽ trải qua 1 quá trình thay lông hoàn toàn. Sau 3 tháng, chim mái mới rời tổ cùng chim trống tìm thức ăn cho con và bảo vệ tổ từ bên ngoài. Chim non vẫn ở trong tổ thêm khoảng 1 tháng trước khi đủ cứng cáp, nó sẽ tự phá miệng tổ bay ra ngoài. Trên phần mỏ của chim non không hề có dấu vết của mũ mỏ, cho đến năm thứ 2 của cuộc đời. Kể từ đây phần mũ mỏ bắt đầu phát triển và hoàn thiện khi chúng được khoảng 5 tuổi.
Chim Hồng Hoàng
Người chồng chung thuỷ và người cha tận tuỵ
Hồng hoàng sống thành cặp với nhau, một vợ một chồng cả đời.
Trong suốt quá trình chim mái ấp trứng và 1-2 tuần sau khi chim non nở, chim trống có nhiệm vụ chăm sóc chim mái và chim non. Hàng ngày chim trống đi tìm kiếm thức ăn, nó liên tục di chuyển nhiều chuyến từ nơi kiếm ăn về tổ để mang thức ăn cho chim mái và mớm chim non.
Vườn thú Hà Nội hiện nay đang chăm sóc, nuôi dưỡng 5 cá thể Hồng hoàng.
Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng đàn động vật ở Vườn thú Hà Nội được thực hiện theo quy trình kỹ thuật do UBND Thành phố Hà Nội ban hành và kế hoạch hàng năm của Công ty.
Loài chim Hồng hoàng ở Vườn thú Hà Nội rất gần gũi và thân thiện với con người, chúng thường đùa nghịch, chạm mỏ vào người hay kéo quần áo bảo hộ của nhân viên viên chăm sóc động vật như một lời nhắc khéo “ Nào, hãy vuốt ve, âu yếm tôi nhiều nhất khi bạn có thể! ”.
Phòng Giáo dục bảo tồn
và Phát triển kinh doanh.
|