ĐÀ ĐIỂU LOÀI CHIM LỚN TRONG VƯỜN THÚ HÀ NỘI
23.08.2024 10:24
-----------------
Du khách đến tham quan Vườn thú Hà Nội sẽ thấy một khu trưng bày động vật vô cùng rộng rãi đó chính là khu chăm sóc, trưng bày một trong những loài chim lớn nhất hiện nay - loài Đà điểu Châu Phi.
Khu trưng bày loài Đà Điểu Châu Phi ở Vườn thú Hà Nội rộng gần 600m², được bao quanh bởi hàng rào sắt cao gần 2 mét để đảm bảo an toàn cho động vật và du khách tham quan, cùng trong khuôn viên có nhà trú mưa nắng cho Đà Điểu rộng khoảng 100m². Vì là khu trưng bày loài chim chạy nên phần lớn diện tích là không gian mở bởi vậy khi dừng chân tham quan tại đây du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành với nhiều cây xanh toả bóng mát.
Đà điểu Châu Phi có tên khoa học là Struthio camelus. Chúng phân bố ở vùng Trung và Đông Phi, một phân loài khác ở Nam Phi. Đà điểu Châu Phi con đực có thể cao từ 1,8 - 2,7m cân nặng tới 130kg. Con cái nhỏ và thấp hơn một chút, cao từ 1,7 - 2m cân nặng tới 110kg. Một số điều thú vị về loài Đà Điểu mà các bạn nên biết:
Đà điểu là loài chim mà lại không biết bay
Vì sao Đà Điểu không thể bay?
Đà Điểu không có xương đòn trên xương ức giúp neo các cơ cánh của chúng do đó không đủ mạnh Đà Điểu để có thể bay lượn. Trọng lượng lớn cũng có thể là nguyên nhân khiến Đà Điểu không thể bay được vì lực ở các cơ bắp không đủ sức nâng đỡ cơ thể. Thay vào đó chúng phát triển khả năng chạy, bởi vậy chúng có tên gọi là:
Chiến thần chạy đua
Chân Đà Điểu chỉ có 2 ngón, 1 ngón lớn hơn trông như móng ngựa. Tuy đôi chân mảnh khảnh nhưng Đà Điểu lại chạy rất nhanh với mỗi bước chạy cách nhau 5m và có thể chạy đạt vận tốc tới 65 km/giờ, thậm chí còn nhanh hơn cả ngựa.
Mắt to hơn não
Với đường kính hơn 5cm, mắt của Đà Điểu còn to hơn não của chúng điều này giúp Đà Điểu quan sát được các mối nguy hiểm từ xa. Ngoài ra, chúng còn có hàng mi rợp để tránh bụi cát từ sa mạc.
Đôi cánh của Đà điểu đã thoái hoá trở nên khá nhỏ so với hình dáng cơ thể. Chim trống dùng đôi cánh này để múa quyến rũ bạn tình và che chở cho Đà điểu con. Đôi cánh còn đóng vai trò như vật giữ thăng bằng khi Đà điểu đột ngột chuyển hướng khi đang chạy với tốc độ cao hoặc phanh hãm khi chúng muốn dừng đột ngột.
Phân biệt chim trống và chim mái
Đà Điểu lúc nhỏ thì rất giống nhau, tuy vậy sau 7 tháng tuổi màu lông của chúng sẽ dần khác biệt.
Đà điểu trống thường có bộ lông màu đen, phần đầu cánh là lông trắng hoặc bạc.
Đà điểu mái lông màu xám nâu, nhạt hơn với vài đốm trắng.
Đà điểu thường sống thành từng đàn khoảng 5 - 50 con, chúng chung sống khá hoà thuận với các loài thú ăn cỏ khác như Ngựa vằn hay Linh dương.
Đà Điểu Châu Phi ở Vườn thú Hà Nội sống hoà thuận với đàn gà Tây.
Đà Điểu chủ yếu kiếm ăn vào ban ngày cùng với các loài thú ăn cỏ. Bởi vì không có răng nên Đà điểu phải nuốt những hạt sỏi nhỏ để hỗ trợ tiêu hoá. Việc này giúp cho việc nghiền nát thức ăn trong mề thuận lợi hơn. Thức ăn chủ yếu của Đà điểu là các loại cỏ và hạt cỏ. Ngoài ra, chúng cũng ăn côn trùng và bò sát nhỏ giúp bổ sung protein cho cơ thể. Lượng đạm này chiếm khoảng 10% khẩu phần thức ăn của Đà điểu.
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng nuôi cho Đà Điểu được thực hiện theo quy trình kỹ thuật. Công tác quét dọn, vệ sinh chuồng nuôi gồm nền chuồng, sân bãi 2 lần/ngày, phun thuốc khử trùng 2 lần/tuần vào các ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh H5N1, Codid-19,… việc khử trùng sát khuẩn chuồng nuôi được đặc biệt chú trọng và thực hiện hàng ngày. Các CBCNV ra vào khu chăn nuôi đều nghiêm túc thực hiện quy trình khử khuẩn chân tay, giầy dép, quần áo nhằm đảm bảo sức khoẻ cho động vật.
Loài Đà Điểu Châu Phi có hình thể to lớn và ít bệnh nên công tác phòng bệnh và điều trị bệnh cho chúng không vất vả như các loài động vật khác. Bệnh phổ biến của loài này là bệnh về đường ruột, do vậy khi điều trị các bác sỹ thú y sẽ trộn thuốc vào khẩu phần thức ăn rồi cho ăn hết khẩu phần, Đà Điểu sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Khẩu phần ăn của Đà Điểu ở Vườn thú Hà Nội gồm các loại rau xanh, ngũ cốc, bánh mì, hoa quả, cám tổng hợp và thịt nạc luộc.
Khi thời tiết nắng nóng hoặc giá rét, Vườn thú Hà Nội sẽ triển khai các phương án phòng chống nóng hoặc chống rét cho đàn động vật theo Kế hoạch hàng năm. Mùa hè, khu trưng bày Đà điểu có nhiều cây xanh toả bóng mát nên không cần che lưới chống nóng nhưng các nhân viên chăm sóc động vật đặc biệt chú trọng đến việc vệ sinh khu chuồng nuôi, nhà trú mưa nắng, cọ rửa sạch bể nước, bổ sung nước uống, vitamin và chất khoáng vào thức ăn của Đà Điểu để tăng cường sức đề kháng, đảm bảo sức khoẻ cho động vật. Vào mùa đông, khu chuồng được che chắn cẩn thận để chắn gió lùa.
Bạn có biết ?
Đà Điểu có khả năng tồn tại trong hoàn cảnh khắc nghiệt, chúng nhịn ăn được rất lâu và không cần uống nước trong vài ngày.
Trong mùa sinh sản, Đà điểu trống biểu diễn các điệu múa để quyến rũ chim mái. Một chim trống có thể kết đôi với nhiều chim mái nhưng chỉ chọn 1 con để cùng xây tổ và ấp trứng. Tổ rất đơn giản chỉ là 1 hố đất sâu 30cm có đường kính khoảng 1m, con mái sẽ đẻ từ 10 - 60 trứng vào tổ. Chim trống và mái sẽ thay nhau ấp trứng, chim mái ấp ban ngày, chim trống ấp ban đêm. Trứng sẽ nở sau 42 - 45 ngày ấp và thường nở vào ban đêm. Đà điểu con nở ra khoẻ mạnh, đã có sẵn lớp lông tơ bao quanh cơ thể và chỉ sau vài tiếng có thể theo bố mẹ đi kiếm ăn ngay.
Vườn thú Hà Nội trưng bày Đà điểu Châu Phi từ tháng 3 năm 1994 thuộc giống Đà điểu cổ đỏ Bắc Phi, là quà tặng của Vườn thú Allwetter - Munster (CHLB Đức) tặng Vườn thú Hà Nội.
Hiện nay Vườn thú Hà Nội đang chăm sóc, nuôi dưỡng 04 cá thể Đà điểu Châu Phi (1 cá thể đực, 3 cá thể cái). Các cá thể này được chuyển về từ Trạm nghiên cứu chăn nuôi Đà điểu Ba Vì thuộc Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương.
Trong quá trình chăm sóc loài Đà Điểu Châu Phi ở Vườn thú Hà Nội, các nhân viên chăm sóc động vật đều phải rất hiểu tính cách của mỗi cá thể để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng chúng đảm bảo sức khoẻ tốt và ngoại hình đẹp đủ điều kiện đưa ra trưng bày phục vụ khách tham quan.
Phòng Giáo dục bảo tồn
và Phát triển kinh doanh.
|