Vuon thu Ha Noi - Hanoi Zoo | Tin tức | | MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA NHÂN VIÊN CHĂM SÓC CÁC VỊ “CHÚA SƠN LÂM” - “CHÚA TỂ RỪNG XANH” Ở VƯỜN THÚ HÀ NỘI.
Liên hệ | English Trang chủ

MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA NHÂN VIÊN CHĂM SÓC CÁC VỊ “CHÚA SƠN LÂM” - “CHÚA TỂ RỪNG XANH” Ở VƯỜN THÚ HÀ NỘI.
25.06.2024 10:40

------------------

 Một ngày đầu hè bình thường như mọi ngày tại Vườn thú Hà Nội, mới sáng sớm khu chăm sóc các vị “chúa sơn lâm” hay “chúa tể rừng xanh” đã ầm vang tiếng gầm à..uôm, à..ầm. Tiếng gầm trầm đục, âm âm vang vọng giữa các dãy chuồng, chúng tôi chột dạ liền hỏi anh Phúc tổ trưởng tổ chăn nuôi thú dữ xem có phải mình đường đột đi vào mà lỡ mạo phạm các vị chăng? Anh cười hiền hậu nói: Sáng nào các bạn thú dữ cũng gầm vậy, như một kiểu chào buổi sáng. 

 Hiện nay tại Vườn thú Hà Nội đang nuôi dưỡng và chăm sóc 7 cá thể hổ Amua (Panthera tigris altaica), 6 cá thể hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti), 2 cá thể hổ Bengal thường (Panthera tigris tigris), 1 cá thể hổ Bengal trắng, 2 cá thể sư tử (Panthera leo) và 6 cá thể gấu ngựa (Selenarctos thibetanus). 

 Một ngày làm việc của các nhân viên chăm sóc động vật ở đây thường bắt đầu từ 7h30’ sáng. Công việc đầu tiên mà các nhân viên cần làm là mở chốt cửa đưa động vật ra ngoài sân bãi, tiếp đó nhân viên chăm sóc động vật sẽ đóng cửa chuồng và kiểm tra chốt cửa an toàn. Một công việc rất quan trọng không thể bỏ qua đó là việc kiểm tra chất thải trong chuồng để đánh giá sức khoẻ của động vật, tiếp theo mới đến công đoạn làm vệ sinh chuồng nuôi, quét rác, dọn chất thải, cọ rửa máng nước và vệ sinh nền chuồng. Công tác vệ sinh chuồng nuôi được nhân viên chăm sóc động vật thực hiện theo quy trình kỹ thuật: nhân viên làm việc tại khu chăn nuôi phải mặc trang phục bảo hộ lao động, việc vệ sinh nền chuồng và sân bãi duy trì thực hiện hàng ngày.
 Tại các khu chuồng, hệ thống quạt công nghiệp, quạt thông gió vận hành liên tục để khu chuồng được thông thoáng, đảm bảo vệ sinh, giúp động vật có một môi trường sống an toàn, đảm bảo sức khoẻ trong những khi thời tiết chuyển mùa hay lạnh hoặc nóng quá. 

 Việc vệ sinh chuồng nuôi không chỉ là cọ rửa phần nền chuồng là xong mà các nhân viên còn phải phun nước cọ rửa cả phần tường xung quanh khu chuồng điều này liên quan đến một tập tính thú vị của các loài thú ăn thịt đó là tập tính đánh dấu lãnh thổ. Các loài thú họ mèo thường đánh dấu lãnh thổ của mình bằng cách để lại phân và nước tiểu lên các cột mốc đáng chú ý ven đường hoặc để lại các vết cào xước dài trên thân cây hay tảng đá. Đây là tập tính tự nhiên của loài thú dữ mà những người chăm sóc động vật ở tổ chăn nuôi thú dữ đều hiểu và vui vẻ khi vào vai “Cô nuôi dạy hổ”. 

 Loài gấu lại có cách đánh dấu lãnh thổ khác thú họ mèo. Chúng sẽ tìm một cái cây hoặc tảng đá nổi bật sau đó ra sức chà xát lưng vào đó. Lông và mùi của chúng được lưu ở trên thân cây hay tảng đá ở vị trí càng cao thì càng chứng tỏ con gấu đó cao to và khoẻ mạnh. 

 Mùi cơ thể của các loài thú dữ vốn dĩ rất đặc trưng và luôn gây cảm giác khó chịu đối với khách tham quan nhưng đối với những nhân viên chăm sóc loài thú dữ tại Vườn thú Hà Nội thì đây lại là một thứ mùi quá đỗi quen thuộc, bởi họ đã coi các bạn thú dữ ở đây như những đứa con của mình và cũng bởi tình yêu thương với động vật đủ lớn nên họ vượt qua được mọi khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng để thấu hiểu và có thể làm bạn được với những vị “ chúa sơn lâm ”, quả không hề đơn giản phải không các bạn ??? 

 Sau khi dọn vệ sinh chuồng nuôi là đến công việc nhận và phân chia thức ăn. Đối với khẩu phần ăn của Gấu là củ, quả hay thức ăn của nhóm thú họ mèo là thịt bò, thịt gà, sườn lợn nhận từ bếp về các nhân viên chăm sóc động vật sẽ chia đều thực phẩm vào từng giỏ nhựa để đưa đến các khu chuồng, thịt để nguyên tảng để giữ được tập tính giằng xé thức ăn của loài thú ăn thịt. Bạn đừng nghĩ rằng thịt cho thú ăn thì thịt nào cũng được mà nhầm nhé! Tất cả đều là thịt loại 1, loại bỏ bớt mỡ để chống béo phì cho các bạn thú dữ đấy ạ! 

Chia thức ăn cho thú họ mèo
Đưa thức ăn đến từng chuồng
 Các nhân viên ở tổ chăn nuôi thú dữ Vườn thú Hà Nội đều hiểu sở thích ăn uống của từng cá thể: có bạn thích ăn thịt bò, có bạn thích ăn thịt gà, sườn hay những yêu cầu đặc biệt của các bạn ấy. Có những ngày thú ăn kém, nhân viên phải thái nhỏ thịt để bón từng miếng cho các bạn ấy ăn được hết khẩu phần của mình.
 Sau khi cho động vật ăn xong là kết thúc công việc buổi sáng. Nhưng với những nhân viên yêu nghề và có trách nhiệm với công việc thì mọi việc cũng chưa dừng lại ở đó. Họ còn tỉ mỉ quan sát xem các bạn hổ, gấu, sư tử hôm nay ăn có được ngon miệng không? Có bạn nào bỏ bữa hay có biểu hiện nào khác thường không? 

Nghỉ ngơi sau bữa ăn
Thư giãn
Phút giây tình cảm
 Khi động vật có những biểu hiện như bỏ ăn, lông bù xù, mắt ướt có dử,… có nghĩa là các bạn ấy không khoẻ, lúc này sẽ cần các bác sĩ thú y kiểm tra, thăm khám sức khoẻ. 

Siêu âm, chụp X-quang điều trị bệnh cho các loài động vật.
 Để chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh cho các vị “chúa sơn lâm” khi thời tiết chuyển mùa hay trời lạnh hoặc nóng quá, các bác sỹ thú y sẽ kê đơn bổ sung vitamin, khoáng chất cho đàn thú dữ bằng một số cách như đưa vào thức ăn, thuốc được giấu vào các miếng thịt cho thú ăn hoặc tiêm, bác sỹ thú y sẽ dùng ống xi thổi để đưa thuốc vào cơ thể cho các loài thú dữ. Hàng năm, các cá thể thú dữ được tiêm vắc xin phòng bệnh dại và vắc xin phòng 4 bệnh thú họ mèo. 

 Dùng ống xi thổi tiêm vắc-xin cho các loài thú dữ
 Buổi chiều, nhân viên chăm sóc động vật tiếp tục dọn vệ sinh chuồng nuôi, cho gấu ăn bữa chiều và bữa cháo đêm của gấu sẽ do các nhân viên ca đêm chịu trách nhiệm cho ăn. Trước khi ra về các nhân viên chăm sóc động vật không quên đưa các bạn Hổ, Sư tử, Gấu từ ngoài sân bãi hoặc ngoài khu chuồng trưng bày vào khu chuồng trong nhà, khoá chốt cửa kỹ càng để đảm bảo an toàn cho đàn động vật khi đêm xuống.
 Để tăng cường vận động cho thú, nhân viên chăm sóc động vật sẽ treo thức ăn lên cao để các bạn Hổ, Sư tử, Gấu vận động leo trèo lấy thức ăn. Trong mỗi chuồng nuôi thiết kế sẵn hệ thống ròng rọc hoặc cột treo thức ăn. Thức ăn được treo cao bắt buộc các bạn thú dữ phải nhảy, leo trèo, vồ, với,.. để lấy thức ăn. Hoạt động này giúp các bạn ấy tăng cường vận động tránh béo phì và giữ được tập tính hoang dã. 

 Treo thức ăn để tăng cường vận động, duy trì tập tính hoang dã ở động vật
 Cứ như vậy ngày này qua tháng khác, đông chống lạnh, hè chống nóng, công việc của các nhân viên chăm sóc động vật cứ tuần tự luân phiên. Dường như rất bình thường mà lại không bình thường một chút nào nếu so với công việc của những người công nhân lao động khác. Họ luôn tỉ mỉ, cẩn thận trong mỗi công đoạn chăm sóc để đàn thú dữ được khoẻ mạnh, an toàn. Họ ý thức được rằng những loài thú mình đang nuôi dưỡng, chăm sóc đều là các loài vô cùng quý hiếm, nếu để mất đi bất cứ cá thể nào cũng là thiệt hại vô cùng to lớn không thể khắc phục được. Chính vì vậy tiêu chí hàng đầu trong công việc của họ là phải bảo đảm an toàn, cho cả động vật và cho cả con người. Họ nghĩ vậy lúc giao ca mỗi ngày!!!

Phòng Giáo dục bảo tồn và Phát triển kinh doanh.




Gửi qua YM

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Gửi tin
Lên đầu trang
BẢNG GIÁ VÉ VÀO CỔNG
Giá vé trẻ em: 30.000đ/vé (Đối với người có chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng 1,3m)



Giá vé người lớn: 50.000đ/vé (Đối với người có chiều cao lớn hơn 1,3m)
Bạn sẽ cho bé đi đâu chơi dịp cuối tuần

 Thăm vườn thú Hà Nội
 Đi công viên chơi
 Đi du lịch xa nhà
 Đi mua sắm ở siêu thị
 Ở nhà thui !



Kết quả
Những thăm dò khác

_VOTING: 45
Thảo luận: 37264
© 2009 - Website thuộc bản quyền của Vườn Thú Hà Nội - Hanoi Zoo    
Địa chỉ: Thủ Lệ - Q. Ba Đình - Hà Nội    
Điện thoại: (84.24) 3834 7395 - 3766 0707 - Fax: (84.24) 3766 3439    
Email: hanoizoo.1976@gmail.com - Website:www.hanoizoo.com    
Phát triển và thiết kế bởi Hãng Truyền Thông APM trên cơ sở NukeVietRC