Vuon thu Ha Noi - Hanoi Zoo | Tin tức | Các loài động vật | CÂU CHUYỆN VỀ CHÚ SƯ TỬ CON MAY MẮN Ở VƯỜN THÚ HÀ NỘI
Liên hệ | English Trang chủ

CÂU CHUYỆN VỀ CHÚ SƯ TỬ CON MAY MẮN Ở VƯỜN THÚ HÀ NỘI
31.10.2023 15:19

Chú sư tử con may mắn ấy có tên gọi là Chăm. Chăm bây giờ đã lớn lắm rồi các bạn ạ, cao to gần bằng sư tử bố. Thực ra, nếu không phải nhân viên thường xuyên chăm sóc Chăm thì cũng không dễ mà phân biệt được đâu là Sư tử Chăm, đâu là Sư tử Nam – bố của chú.

Sư tử Chăm
Chăm thuộc nòi sư tử Châu Phi có tên khoa học là Panthera leo. Cha mẹ của Chăm được nhập về Vườn thú Hà Nội từ Nam Phi nên được các nhân viên chăm sóc động vật đặt tên là Nam và Phi để lưu lại kỷ niệm và thuận tiện trong việc gọi tên hàng ngày. 

 Sư tử Nam - bố của Chăm
Sư tử Nam và Phi bố mẹ của Chăm
Sư tử là loài thú họ mèo duy nhất sống thành bầy đàn. Cơ cấu xã hội cơ bản của một đàn sư tử cũng khá phức tạp. Đứng đầu đàn thường là một con sư tử đực, một số sư tử cái và con non của chúng. Thông thường một đàn sư tử sẽ có sự phân công công việc một cách rõ rệt. Việc kiếm mồi nuôi sống cả đàn sẽ do sư tử cái đảm nhiệm. Nhiệm vụ của Sư tử đực cũng rất nặng nề đó là bảo vệ an toàn cho cả đàn sư tử. Trong tự nhiên kẻ thù của sư tử cũng rất nhiều, đó có thể là các loài thú ăn thịt khác như chó rừng, linh cẩu, báo hoa mai, cá sấu, trăn,… là những kẻ cạnh tranh thức ăn với sư tử. Kẻ thù của đàn sư tử còn có thể là những đàn sư tử khác. 
Trở lại chuyện của Chăm, tại sao nói chú là một “chú sư tử con may mắn” thì phải kể đến sự ra đời của Chăm. Cha mẹ của Chăm sau hơn 2 năm được nhập về Vườn thú Hà Nội thì cũng đến tuổi trưởng thành, chúng được ghép đôi và sư tử mẹ thuận lợi mang thai. Ngày Chăm được sinh ra cũng là lúc sư tử mẹ bị bệnh nặng qua đời. Chú sư tử con bé bỏng mồ côi được các các bác sĩ thú y, nhân viên chăm sóc động vật nuôi bộ và kể từ đó họ trở thành những người cha, người mẹ nuôi bất đắc dĩ của Chăm. Tại Vườn thú Hà Nội, việc chăm sóc đối với thú non là công việc đòi hỏi những người chăm sóc động vật phải rất tâm huyết và luôn có mặt 24h bởi chăm sóc cho thú non không khác gì chăm sóc đứa con của mình. Nhân viên phải chia làm 3 ca, thay phiên nhau chăm sóc cho Chăm. Ngoài việc cho uống sữa đúng giờ như một đứa trẻ sơ sinh thì việc vuốt ve và mát xa cho chú cũng vô cùng quan trọng. Trong tự nhiên sau khi cho con non bú, con mẹ thường liếm láp khắp người con non, hành động này không chỉ thể hiện tình yêu thương, âu yếm của con mẹ với con non mà nó còn tăng cường nhu động ruột giúp con non tiêu hoá và bài tiết tốt hơn và nếu thú non không được mát xa sẽ dễ xảy ra tình trạng thú non dễ bị mắc bệnh táo bón, đầy hơi, nghiêm trọng hơn là sẽ chết. Do vậy khi nuôi bộ Chăm, các nhân viên chăm sóc cũng phải thường xuyên vuốt ve và mát xa bụng cho chú để hệ tiêu hoá được hoạt động tốt. Khi bạn Chăm được 1 tháng tuổi bắt đầu mọc răng sữa, các nhân viên chăm sóc động vật chuyển dần khẩu phần ăn từ sữa sang đồ ăn dặm cho chú. Đầu tiên là thịt nạc được băm nhỏ rồi dần dần thái lát mỏng cho đến khi thịt được cắt thành những miếng nhỏ. Sư tử con mới mọc răng thường có nhu cầu mài răng nên hay gặm đồ vật. Nhân viên chăm sóc động vật lựa chọn những ống xương nhỏ, trơn tru cho Chăm gặm, chú có thể vừa ăn chút thịt dính trên xương vừa gặm được phần sụn phía đầu ống xương bổ xung canxi lại vừa đẩy đi đẩy lại ống xương như một món đồ chơi mới khiến chú cảm thấy phấn khích lắm. Lớn hơn chút nữa đội ngũ nhân viên chăm sóc lại suy nghĩ làm thế nào để tăng cường vận động cho chú và thế là những món đồ chơi tự chế riêng cho Chăm như: những bọc tròn bằng vải để chú lăn qua lăn lại đùa nghịch hay những chiếc dây thừng bện vải treo buộc lên cao để chú có thể kéo lôi đi, đồ chơi tuy đơn giản vậy thôi mà khiến chú thích thú, phấn khích lắm nên ngày nào cũng vờn, nghịch như một đứa trẻ lên ba vậy. Chăm thích nhất là khoảng thời gian buổi sáng được thả tự do vui chơi tắm nắng trước bồn hoa và nô đùa với các nhân viên chăm sóc động vật. Chính vì vậy nên Chăm rất thân thiện với mọi người, không ngại thể hiện cảm xúc khi không bằng lòng điều gì đó và rồi cũng có lúc dỗi hờn vô cớ và bỏ ăn nhưng khi được vuốt ve, cưng nựng, vỗ về “Chăm ơi, Chăm à” thì chú lại dụi đầu vào bàn tay ấm áp của các nhân viên miệng phát ra những tiếng rừ rừ êm tai y như một đứa trẻ lớn xác rồi mà vẫn ưa làm nũng.

 Sư tử Chăm khi còn nhỏ
Bằng sự tận tâm của mình các bác sỹ thú y, nhân viên chăm sóc thú dữ tại Vườn thú Hà Nội đã nuôi lớn và chăm sóc cho Chăm với tất cả tình yêu thương, coi chú như đứa con nhỏ của mình vậy. Giờ thì Chăm đã được 5 tuổi rồi các bạn ạ, sức khoẻ tốt nên chú có bộ lông óng mượt với dáng đi thật oai phong. Hàng ngày các nhân viên chăm sóc thú dữ đều đặn tắm rửa, vuốt ve, chải bờm, bắt rận và nói chuyện với Chăm. Với nhiều người ai ai cũng sợ hãi mỗi khi nghe sư tử gầm, rú thế nhưng đối với các nhân viên tổ thú dữ ở Vườn thú Hà Nội lại thấy chú Sư tử Chăm vô cùng hiền lành và đáng yêu. 

Sư tử Chăm được yêu thương nên nũng nịu lắm
Sư tử Chăm quả thực là một “chú sư tử con may mắn” khi được nuôi dưỡng và lớn lên trong “Ngôi nhà hạnh phúc” tại Vườn thú Hà Nội. 

 Phòng Giáo dục bảo tồn & Phát triển kinh doanh




Gửi qua YM

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Gửi tin
Lên đầu trang
BẢNG GIÁ VÉ VÀO CỔNG
Giá vé trẻ em: 20.000đ/vé (Đối với người có chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng 1,3m)



Giá vé người lớn: 40.000đ/vé (Đối với người có chiều cao lớn hơn 1,3m)
Bạn đánh giá thế nào về vườn thú Hà Nội

 Nơi vui chơi bổ ích cho bé
 Đi dạo cũng hay hay
 Không khí trong lành
 Ngắm động vật cũng thấy thích
 Địa điểm lý tưởng để cả gia đình đi chơi cuối tuần



Kết quả
Những thăm dò khác

_VOTING: 30
Thảo luận: 1
© 2009 - Website thuộc bản quyền của Vườn Thú Hà Nội - Hanoi Zoo    
Địa chỉ: Thủ Lệ - Q. Ba Đình - Hà Nội    
Điện thoại: (84.24) 3834 7395 - 3766 0707 - Fax: (84.24) 3766 3439    
Email: hanoizoo.1976@gmail.com - Website:www.hanoizoo.com    
Phát triển và thiết kế bởi Hãng Truyền Thông APM trên cơ sở NukeVietRC