Vuon thu Ha Noi - Hanoi Zoo http://www.hanoizoo.com/vuonthuhanoi/2009/vn

Quá trình xây dựng và phát triển
28.08.2009

Khi mới tiếp nhận khu vực Thủ Lệ, nơi đây chỉ là vùng hoang hoá, sình lầy, cơ sở vật chất chưa có gì. Với diện tích 28 ha trong đó có 6 ha hồ nước, địa hình ngổn ngang bụi cây, hầm hào, mồ mả,
HTML clipboardClick vao hinh de xem ro hon

Vườn thú với chỉ 70 cán bộ công nhân viên đã đựoc Uỷ ban, Sở, các ngành, các cấp quan tâm, đầu tư và bằng sự nỗ lực vươn lên của chính mình. Đông rét, hè nắng vừa di chuyển thú từ Bách Thảo về, vừa xây dựng cơ sở vật chất, chuồng trại, đường xá... Vườn thú Hà Nội đã từng bước đi lên. Cùng với thời gian và đổi thay tăng trưởng của nền kinh tế xã hội - Vườn thú hôm nay đã trở thành một bức tranh đẹp về cảnh quan, sinh động về nội dung phục vụ... Gần 30 năm qua với biết bao khó khăn, biết bao nhiêu sự kiện, Vườn thú đã tự khẳng định mình là một đơn vị không thể thiếu được của ngành Giao thông công chính trong việc làm xanh, sạch, đẹp và hiện đại hoá Thủ đô.

1. Sự phát triển của đàn chim thú:

- Bảo tồn nhân nuôi đàn động vật là nhiệm vụ quan trọng nhất bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của Vườn thú.

- Năm 1975 tiếp nhận số động vật từ Bách Thảo chuyển tới với chỉ có 30 loài và gần 300 cá thể. Trong đó, chủ yếu là đàn hươu, nai, 4 con voi, 2 hổ, 2 báo hoa mai... và một số chim thú, bò sát nhỏ khác.

Qua từng năm bảo tồn, sưu tầm, chăn nuôi, nhân giống... đến đầu quý 1/2001, Vườn thú hiện chăm sóc trên 90 loài và gần 566 cá thể. Trong đó có hơn 40 loài đặc hữu quý hiếm nm trong danh sách đỏ của Việt Nam như: Hổ Đông Dương, Báo gấm, Beo lửa, Cầy vằn, Báo hoa mai, Gà lôi lam đuôi trắng, các loại chim họ Trĩ, cá cóc Tam Đảo...

Từ năm 1993, Vườn thú gia nhập Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA) và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các Vườn thú và Tổ chức bản tồn Quốc tế như WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên), WPA (Bảo tồn chim Trĩ Thế giới)... Một số loài thú ngoại nhập được trao đổi với các Vườn như: Hổ Amua, Ngựa hoang, Đà điểu Châu Phi, Châu Mỹ, Đười ươi... đã làm tăng sự sinh động về loài trưng bày, thu hút khách thăm vườn.

Trong đàn động vật trưng bày có nhiều loài mang ý nghĩa lịch sử rất được người nuôi, người xem trân trọng. Đôi sếu Nhật Bản - quà tặng của thủ tướng Kim Nhật Thành (CHDCND Triều Tiên) với bác Hồ từ năm 1960 đến nay vẫn tồn tại. Đây là loài động vật có dấu ấn lịch sử và tuổi thọ cao nhất vườn.

Đôi trăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nai Viên Chăn của thủ tướng Phạm Văn Đồng, Cầy mực, cá sấu của Trung tướng Tư lệnh bộ đội Trường Sơn - Đình Đức Thiện... tặng Vườn thú trưng bày cho dân xem, để lại dấu ấn trong lịch sử phát triển Vườn thú trong gần 30 năm qua.

Nhân dân thủ đô ghi nhận công tác bảo tồn, nhân nuôi trong Vườn thú: Một số loài định cư trên đất Thủ Lệ đã sinh sản tốt khẳng định những đóng góp của Vườn trong công tác bảo vệ nguồn gen quý hiếm của đất nước.

- Hươu sao, nai, sư tử, cầy mực, cầy vòi mốc, chim họ trĩ (gà lôi lam đuôi trắng, công, gà rừng tai trắng), cá cóc Tam Đảo, vượn đen...  tính đến nay đã có tới trên 20 loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi trưng bày.

BẢNG THEO DÕI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CƠ CẤU ĐÀN ĐỘNG VẬT 1976 - 2001

Năm 1976 1980 1985 1990 1995 2001
Loài 30 40 52 81 84 90
Cá thể 300 189 308 615 612 615

Qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều biến động, nhưng đến nay, so với thời kỳ đầu thành lập Vườn, số loài động vật tăng gấp 3 lần, số cá thể tăng gấp 2 lần. Bao gồm: 35 loài thú, 50 loài chim, 5 loài bò sát lưỡng cư, 40 loài cá nước mặn. Trong những năm gần đây, mục tiêu trưng bày của Vườn Thú chú trọng đến các loài trưng bày để tăng tính hấp dẫn. Những loài nhiều cá thể được giảm bớt (hươu, nai, khỉ...) và đặc biệt từ khi Xí nghiệp nhân giống động thực vật Cầu Diễn thành lập tháng 3 năm 1998, nơi đây đã trở thành vùng đất thanh bình và yên tĩnh cho các loài chim họ Trĩ sinh sôi nảy nở.

Công tác Bảo tồn và trưng bày động vật 25 năm qua đã được các ngành các cấp và nhân dân ghi nhận. Vườn thú Hà Nội là một trung tâm vui chơi giải trí, là bảo tàng sống các loài động vật hấp dẫn hàng đầu tại khu vực phía Bắc.

2. Công tác duy trì phát triển cây xanh, vườn hoa thảm cỏ

Từ một Công viên Thủ Lệ hoang sơ giữa những năm 70, ngày nay, Vườn Thú Hà Nội đã trở thành một vườn xanh, một lá phổi, góp phần điều hoà không khí của Thành phố. Ngoài 20,4 ha trong khuôn viên Vườn Thú được nâng cấp về cây xanh, vườn hoa, bãi cỏ. Từ năm 1993 đến nay, Vườn thú Hà Nội đã vươn ra quản lý duy trì các Vườn hoa, dải phân cách, thảm cỏ tại các trục đường lớn đón du khách từ cửa ô phía Tây và Trung tâm Hà Nội. Đáng kể như giải phân cách các đường: Kim Mã (3.796m2), đường 32 (3.590m2), đường Liễu Giai - Ngọc Khánh (16.294m2), đường Trần Duy Hưng (30.748m2), thảm hoa, cỏ hồ Ngọc Khánh (6.800m2), đường Hoàng Quốc Việt (29.700m2)...

Đến nay, với những con số xanh được Sở và Uỷ ban Nhân dân Thành phố ghi nhận, Vườn thú đang duy trì và quản lý 119.500m2 thảm cỏ, 3.050m2 bồn hoa, 3.800 cây bóng mát và hàng nghìn m2 hàng rào cây cảnh, mảng cây cảnh... với chất lượng, kiểu dáng xanh tươi bốn mùa, hoa lá rực rỡ, một vùng Thủ Lệ xanh trong cây lá thoáng đãng với 6 ha mặt hồ trong lành đã là điểm dừng chân thư giãn cho hàng triệu lượt đồng bào mỗi năm.

3. Các công trình cải tạo và xây dựng

Đi đôi với việc phát triển đàn động vật trưng bày và cảnh quan thực vật, công tác cải tạo, xây dựng mới các công trình hạ tầng cơ sở, được sự quan tâm đầu tư có hiệu quả của Uỷ ban Nhân dân Thành phố và Sở giao thông công chính, Vườn đã đưa vào kế hoạch hàng năm và là một trong bốn mục tiêu chiến lược của vườn là nâng cấp bộ mặt cảnh quan của Vườn Thú.

Từ chỗ ban đầu chỉ có 3 khu vực, 5 điểm trưng bày với diện tích khiêm tốn 1.350m2, đến nay vườn thú đã có 6 khu vực bảo tồn, 47 điểm trưng bày và tổng diện tích chuồng nuôi động vật 12.800m2.

Ngoài hệ thống điện nước chiếu sáng luôn luôn được bảo đảm các nhu cầu phục vụ công tác duy trì đàn động vật, thảm thực vật, gần 30 năm qua, nhất là từ năm 1992 đến nay, một số công trình mang sắc màu riêng của Vườn đã tạo nên một Vườn Thú có dấu ấn về một trung tâm trưng bày, một vườn rừng giữa lòng đô thị với khu nhân giống chim họ Trĩ, cầu qua đảo, chuồng đười ươi, khu ngựa hoang, đà điều, Xí nghiệp nhân giống động thực vật Cầu Diễn... sân Tennis, Khu nhà Văn phòng mới... là những công trình tiêu biểu trong những năm gần đây, chỉ tính giai đoạn từ 1991 đến 2000. Thành phố đã đầu tư 11,120 tỷ đồng cho các công trình tôn tạo ở Vườn thú, các giải phân cách, xí nghiệp nhân giống...

Hôm nay, đi trong Vườn thú với trên 20.000m2 đường dạo uốn lượn, hệ thống tường rào, lan can kè xung quanh hồ thoáng đãng tạo nên một bức tranh đẹp về cảnh quan.

Bên cạnh những kiến trúc đa dạng mang màu sắc hài hoà giữa tính hiện đại và dân tộc phục vụ các yêu cầu bảo tồn trưng bày động vật, gần 30 năm qua hàng loạt những điểm vui chơi, dịch vụ, giải trí ra đời như thuyền bơi, xe điện, Tennis, đu quay, xe đụng, Patin... luôn âm vang tiếng cười của thanh thiếu niên trong những ngày nghỉ, ngày lễ góp phần tạo nên sự sinh động của Vườn thú trong công cuộc đổi mới chung của Hà Nội cũng như của cả nước.

4. Công tác nghiên cứu - thực hành và ứng dụng khoa học kỹ thuật và đào tạo

Một trong những biện pháp góp phần quyết định trực tiếp đến quá trình tồn tại và phát triển của vườn thú là công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng những thành tựu kỹ thuật trong việc duy trì đàn động vật, thảm thực vật.

Trong gần 30 năm qua, từ chỗ ban đầu chỉ có 7 cán bộ kĩ thuật đến nay qua quá trình phát triển, đào tạo và đào tạo lại, số cán bộ có trình độ Đại học và trên Đại học đã tới 86 chiếm 9,3% so với tổng số cán bộ công nhân viên Vườn thú. Trong đó, khối Văn phòng chiếm 58,8% cán bộ trình độ Đại học. Từ chỗ chỉ có cán bộ thuộc ngành nghề cơ bản như chăn nuôi,  thú y, trồng trọt, đến nay lực lượng kỹ thuật Vườn thú thật đa dạng bao gồm: sinh học, kiến trúc, kinh tế, tài chính, luật, mỹ thuật, thương mại... Với lực lượng giàu tiềm năng và sức trẻ, công tác khoa học kỹ thuật của Vườn luôn được sở Giao thông công chính, Sở Khoa học Công nghệ Môi trường, Uỷ ban Nhân dân Thành phố, các trường Đại học, Viện nghiên cứu Quốc gia... đánh giá cao những đóng góp về khoa học bảo tồn, sự đa dạng sinh học nói chung và lưu giữ nguồn gen động vật nói riêng.

Qua gần 30 năm, Vườn thú đã có trên 30 công trình, đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật được áp dụng trong việc chăn nuôi đàn động vật duy trì cây hoa, cây bóng mát, thảm cỏ. Có những đề tài đã được giải thưởng VIFOTEC dành cho công nghệ do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Bộ khoa học Công nghệ môi trường tặng giải 3 năm 1997.

Từ những nghiên cứu có chiều sâu chuyên môn, có tính thực tế cao nên trong 10 năm gần đây, một số loài động vật đã sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt như: Chim họ Trĩ, Hươu sao, Nai, Thú họ Cầy, Thú bộ Linh trưởng...

Nhứng thành tựu khoa học của Vườn còn được ghi nhận tại các diễn đàn khoa học Quốc tế. Tại các hội nghị trên, các báo cáo của vườn thú về bảo tồn nhân giống các loài chim họ trĩ như: gà lôi lam đuôi trắng, bảo tồn nhân nuôi một số giống ăn thịt như Hổ Đông Dương, Cá cóc Tam Đảo đã được ghi nhận vào cẩm nang khoa học bảo tồn Quốc tế vì những kết quả hết sức trân trọng. Một vinh dự cho Vườn Thú là đồng chí Giám đốc Lê Sỹ Thục được bầu là Phó Chủ Tịch Hội Trĩ Thế Giới, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Động vật học Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Hội Sinh học Việt Nam.

5. Mối quan hệ hợp tác và phát triển:

Qua gần 30 năm xây dựng - được sự định hướng và chỉ đạo của Uỷ ban thành phố, Sở giao thông Công chính - được sự quan tâm của các ngành các cấp vườn thú đã xây dựng được mối quan hệ mật thiết với nhiều cơ quan trong và ngoài nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ 1992 đến nay, cùng với thời kỳ đổi mới, mở cửa của nền kinh tế đất nước và thủ đô, trên 20 cơ quan khoa học cấp bộ như Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường, Bộ Nông nghiệp - phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia, Trung tâm tài nguyên môi trường... Hàng chục cơ quan cấp Cục, Vụ, Viện, Khu bảo tồn, vườn quốc gia, Hội sinh vật cảnh, Hội động vật học, Hội thú y... có mối quan hệ về học thuật và lĩnh vực bảo tồn đã là những xúc tác đưa vườn thú trở thành một vị trí xứng đáng là bảo tàng sống các loài động vật khu vực phía Bắc, là trường học giáo dục về môi trường, cảnh quan, tình yêu thiên nhiên đất nước con người.

Song song với quan hệ đối nội, việc mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế được vườn thú đặc biệt chú ý trong những năm qua. Đến nay vườn thú đã có mối quan hệ với trên 30 vườn thú và tổ chức bảo tồn động vật trên thế giới. Từ năm 1989 quỹ Brehm (Đức) đã hợp tác tài trợ xây dựng khu nhân giống các loài chim. Đến năm 1993 Vườn thú là thành viên chính thức của Hiệp hội các vườn thú khu vực Đông Nam Á (SEAZA). Hơn 30  vườn thú, các tổ chức bảo tồn có quan hệ mật thiết trong việc trao đổi vật, trao đổi thông tin và nghiệp vụ quản lý, khoa học kĩ thuật như Walsrode, Berlin, Leipzig, Munster, Frankfurt... (Cộng hoà Liên bang Đức), Cleres (Pháp), Singapore....  Đặc biệt là Hội Trĩ Thế giới (WPA) đã thực hiện những bước hợp tác quan trọng trong việc đưa một số loại động vật nhập ngoại tới Vườn làm tăng sức hấp dẫn trưng bày như: Đà điểu, Ngựa hoang, Đười ươi, Vẹt Amazon, Chim Turaco...

Ngày nay, mạng thông tin khoa học của Vườn Thú đã được sử dụng qua hệ thống Internet, Web... giữa Vườn Thú Hà Nội và một số các vườn động vật và Tổ chức bảo tồn động vật. Sự cập nhật và hiện đại hoá công tác quản lý, mở mang mối quan hệ nhiều chiều cùng có lợi đã đưa Vườn Thú có vị trí xứng đáng trên trường Quốc tế về công tác bảo tồn nhân giống.

Từ năm 1993 đến nay, các báo cáo chính thức của Vườn thú về bảo tồn các loài chim họ Trĩ, họ Cầy, Cá cóc Tam Đảo... tại các Hội nghị Vườn thú Quốc tế đã được ghi nhận và đánh giá cao trong tàng thư bảo tồn động vật Quốc tế.

Vinh dự lớn cho Vườn thú vào ngày 29/6/1999, Hoàng tử Akishino và Công chúa Nhật Bản, người rất quan tâm đến Điểu học đã tham Vườn và đánh giá cao công tác bảo tồn, nhân nuôi các loài chim họ Trĩ của Vườn. Động thái này đã góp phần làm sáng lên ngọn lửa tình hữu nghị Việt - Nhật mà đồng chí Giám đốc Sở Phạm Quốc Trường với chức danh Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Chi Hội Hữu nghị Việt - Nhật Vườn thú Hà Nội.

6. Các mặt công tác khác:

a. Bộ máy tổ chức:

Từ buổi ban đầu với 70 cán bộ công nhân viên tách từ Công ty Công viên ra thành lập Vườn thú Hà Nội ngày 6/8/1976, 25 năm qua cùng với sự tăng trưởng của quy mô xây dựng quản lý Vườn, nhiệm vụ được Sở và Thành phố giao cho một Vườn thú mở không chỉ chức năng quản lý bảo tồn động vật ở Công viên Thủ Lệ mà còn quản lý duy trì các dải cây xanh, hoa cỏ ở 6 trục đường lớn quan Vườn. Bộ máy tổ chức của Vườn thú hôm nay vững vàng với gần 800 cán bộ công nhân viên viên, gồm 6 phòng nghiệp vụ, 8 đội chuyên môn, 1 xí nghiệp trực thuộc. Trong đó có 86 đồng chí có trình độ Đại học, 4 thạc sĩ và hàng chục công nhân bậc cao trên các lĩnh vực, nhiều đồng chí đã đi suốt gần 30 năm xây dựng Vườn thú với bao công sức và kỷ niệm gắn bỏ. Chúng ta mãi ghi nhớ những cái tên mang dấu ấn của Vườn như: Ngô Thị Thuận, Lê Hiền Hào, Ngô Huy Tiến, Dương Quang Hiền, Nguyễn Chí Trọng, Hoa Ngọc Lâm trong cương vị lãnh đạo và những cán bộ công nhân viên chức khác như: Phạm Văn San, Thái Thị Nét, Nguyễn Đăng Dũng, Ngô Xuân Doãn, Bùi Văn Viêm, Khương Văn Thọ, Nguyễn Văn Đích... Gần trọn cuộc đời các anh, các chị gắn bó với màu xanh của Vườn thú và sự sinh động của đàn động vật để cùng hàng trăm gương mặt trẻ bổ sung trong những năm qua làm nên một Vườn Thú xanh, sạch, đẹp, hiện đại, một doanh nghiệp đặc thù loại I của ngành Giao Thông công chính Thủ đô.

b. Công tác thi đua khen thưởng và đào tạo:

Cùng với sự phát triển chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức Đoàn Thanh niên và công đoàn đều phát triển. Từ một Chi bộ trực thuộc đến năm 1992, Đảng bộ Vườn thú được thành lập và đến nay đã có trên 50 Đảng viên chiếm tỉ lệ 6,25%. Mười năm liền tổ chức cơ sở Đảng Vườn thú đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Tổ chức Công Đoàn, Đoàn Thanh Niên, Phụ nữ và nhất là lực lượng tự vệ luôn để lại những dấu ấn vinh quang cho Vườn thú. Huân chương chiến công hạng 3 do Chủ tịch nước tặng Vườn thú ngày 01/01/1996 cùng với bằng lao động sáng tạo, 25 bằng khen, hàng chục giấy khen, cờ thi đua, Bằng công nhận danh hiệu thi đua, quyết thắng, vững mạnh... đã chứng minh cho một đơn vị biết tạo nên sức mạnh đồng bộ từ chính tiềm năng và khả năng chuyên môn của mình.

Công tác cán bộ là một trong những mặt được quan tâm. Chỉ tính 10 năm từ 1991-2001, Vườn thú đã tiếp nhận và đề bạt 5 Chánh Phó Giám đốc, 10 lượt Chánh Phó phòng, 8 lượt Đội trưởng, Đội phó, 47 cán bộ công nhân viên được đào tạo và đào tạo lại có trình độ Đại học, nhiều đơn vị tiến tới chuẩn hoá cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm gần 100% có trình độ Đại học như Phòng Kỹ thuật, Phòng Tài vụ, Phòng Hướng dẫn du lịch, Phòng Kế hoạch...

c. Công tác giáo dục bảo tồn, phục vụ dân trí:

Qua gần 30 năm, Vườn thú Hà Nội đã đi qua những chặng đường gian khó, qua từng thời kỳ thay đổi của nền kinh tế xã hội, một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu là lấy sự phục vụ làm chính, nhằm thoả mãn các yêu cầu của nhân dân trong lĩnh vực vui chơi giải trí.

Bằng nguồn động vật sinh động, cảnh quan xanh, với sự đầu tư duy trì của cán bộ công nhân viên, Vườn thú Hà Nội trong những năm qua đã là nơi thu hút khách hàng đầu của Thủ Đô.

Đầu những năm 90 mới chỉ vài trăm ngàn lượt khách đến mỗi năm, từ năm 1996 đến nay, con số lượt khách thăm đã vượt qua ngưỡng 1 triệu người/năm. Vườn thú Hà Nội là nơi giao lưu gần gũi của đồng bào các tỉnh phía Bắc từ biên giới Việt Trung tới khi 4. Trong các ngày nghỉ cuối tuần, ngày Lễ, Tết sự đông đúc đến tắc đường cũng là điều dễ hiểu cho sức hút của Vườn trong thời kỳ đổi mới.

Năm Số lượt người tham quan Tỷ lện so với Σ doanh thu
1976 - 1990 300.000 - 500.000 5 - 6 %
1990 - 1995 500.000 - 800.000 6 - 8 %
1996 1.009.727 11,6 %
1997 1.289.680 19,6 %
1998 1.306.639 17,3 %
1999 1.357.112 17,6 %
2000 1.624.500 20,6 %

Một trong những niềm vui của cán bộ công nhân viên Vườn thú trong nhiều năm qua là luôn nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt mãn nguyện của hàng ngàn học sinh các trường được chiêm ngưỡng sự sinh động thực tiễn của bộ môn Sinh vật qua hình ảnh các loài chim thú mà nhiều năm trên giảng đường Phổ thông, Đại học các em chỉ hình dung qua sách vở và giáo án. Có những bà mẹ dân tộc trọn cuộc đời nơi rừng xanh núi đỏ chưa một lần nhìn thấy con hổ, con voi... đã đến với Vườn thú, với niềm vui và sự ngạc nhiên đến thích thú.

Có thể khẳng định Vườn thú Hà Nội là một trong những điểm du lịch mang tính giáo dục bảo tồn cụ thể nhất, làm cho con người đến với thiên nhiên thêm phần gần gũi và trân trọng.

7. Vườn thú Hà Nội và dự định tương lai

Gần 30 năm xây dựng phát triển và trưởng thành. Vườn thú Hà Nội đã để lại những dấu ấn tốt đẹp cho mỗi ai một lần đến thăm Vườn thú. Vườn thú Hà Nội tự hào vì đã  góp được tiếng nói chung cùng với hàng chục doanh nghiệp trong ngành giao thông công chính Thủ đô làm nên một Hà Nội xanh, Hà Nội sạch đẹp và hiện đại trong thời kỳ đỏi mới chung của đất nước. Nhằm thực hiện tốt ánh sáng nghị quyết lần thứ IX của Đảng và tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội - trong kế hoạch 10 năm tới (2001-2010) Vườn thú Hà Nội dự kiến những bước đi mới như sau:

- Phấn đấu trong lĩnh vực trưng bày bảo tồn sưu tập và nhân giống kết hợp với mối quan hệ trao đổi để đưa đàn động vật trên 120 loài và có từ 800-1000 cá thể. Trong những năm tới chú trọng tới các loài là đối tượng quan tâm của du khách như: Hà mã, Ngựa vằn, Hươu cao cổ, Sao la, Gấu trúc, Dê sừng dài... 1 sân chim bán tự nhiên trên đảo ven hồ với khoảng 20 loài sẽ định hình tạo nên sức hút mới về phương thức trưng bày.

- Cải tạo nâng cấp và hoàn thiện các công trình hạ tầng cơ sở về chuồng trại, đường xá, điện nước, khu hậu cần, khu nhân giống và các trang thiết bị chuyên dùng nhằm hiện đại hoá đáp ứng được nhu cầu đời sống của đàn động vật, cảnh quan chung và nâng cấp điều kiện làm việc cho người quản lý, người lao động.

- Xây dựng những tiêu cảnh có điểm nhấn về cảnh quan như: Vòi phun, tượng đài sinh vật cảnh, thác nước, suối phun... Nhạc nước, hệ thống chiếu sáng mầu... nhằm tạo nên sự hài hoà trong khuôn viên xanh Thủ lệ.

- Khai thác triệt để tiềm năng của Vườn, kết hợp liên doanh liên kết xây dựng mới và cải tạo các khu vui chơi dịch vụ: gọn gàng, hấp dẫn, hiện đại mang tính giáo dục cao nhằm cân bằng cảnh quan kết hợp giữa vui chơi giải trí tham quan học tập nghỉ ngơi thư giãn cho mọi tầng lớp nhân dân.

- Trong tương lai, có thể nhà nước sẽ đầu tư mở mang nhiều công viên, Vườn động vật bán hoang dã ở Thủ đô và các địa phương. Với nhiệm vụ của mình, Vườn thú Hà Nội trong những năm tới phải góp phần trách nhiệm về cung cấp con giống ban đầu, kinh nghiệm quản lý động vật để Hà Nội có thêm nhiều điểm vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu tham quan học tập của nhân dân Thủ đô.



URL của bản tin này::http://www.hanoizoo.com/vuonthuhanoi/2009/vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2

© Vuon thu Ha Noi - Hanoi Zoo contact: apmvn@yahoo.com